Ngày đăng:
16/07/2024
Sau gần 10 năm phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới, tại 7 xã trên địa bàn huyện Ngọc Hồi (trừ thị trấn Plei Kần xây dựng đô thị văn minh) đã huy động nguồn lực đầu tư trên hàng trăm tỷ đồng để thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Riêng trong năm 2023, nguồn ngân sách cho chương trình Nông thôn mới trên địa bàn huyện được đầu tư hơn 62 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động nhân dân đóng góp là 6.842 triệu đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn và các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Có thể nói đây là chương trình phù hợp với ý Đảng – lòng Dân, đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực của nhân dân, nguồn lực của cộng đồng đã giúp cho diện mạo nông thôn thay đổi đến diệu kỳ. Qua kết quả kiểm tra, có 07/07 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng đối với xã Đắk Ang là xã đặc biệt khó khăn trước đây, nay đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đã được UBND tỉnh có Quyết định công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 01-5-2024, đây thực sự là cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, trong đó có sự đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn.
Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”... đặc biệt là thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Kết luận 08 của Tỉnh uỷ. Vận động các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình (nhà ở, hỗ trợ người nghèo, các công trình phúc lợi,…), chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; qua đó tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tạo được sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cán bộ, hội viên nông dân huyện Ngọc Hồi đã chủ động triển khai thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong hội viên nông dân, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích hội viên nông dân đoàn kết vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà. Xác định phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào trọng tâm của tổ chức Hội, 05 năm qua Hội Nông dân huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn hội viên đăng ký thi đua theo đúng quy định của Trung ương Hội. Phong trào thi đua SXKDG đã và đang xuất hiện nhiều điển hình tiên tiên, gương người tốt, việc tốt. Từ 2019 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hàng năm từ 1- 1,2% trở lên (tương đương với 130 -170 hộ), đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Số hộ nghèo của huyện vào cuối năm 2023 hiện còn 481 hộ, chiếm tỷ lệ 2,95% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện; hộ cận nghèo còn 384 hộ, chiếm tỷ lệ 2,36% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện. Việc thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua SXKDG trên địa bàn huyện đã có tác động tích cực đến các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững và chương trình nông thôn mới trên địa bàn.
Để hỗ trợ phong trào, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ cho hội viên, như phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ cho 240 lượt hội viên; tuyên truyền kiến thức sử dụng phân bón vi sinh qua lá; hằng năm triển khai cung ứng phân bón trả chậm của Công ty cổ phần VSMTĐT Hà Nội hơn 2.000 tấn phân bón các loại; phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở 8 lớp dạy nghề cho hơn 300 hội viên nông dân, chủ yếu là các nghề về nông nghiệp. Sau khi đào tạo nghề, các học viên đều có việc làm và tạo thu nhập ổn định; tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh cho 03 dự án tại địa bàn xã Đăk Dục, thị trấn, xã Đăk Xú, mỗi dự án 500 triệu đồng, cho 26 lượt hộ vay; giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 08 dự án, mỗi dự án 50 triệu đồng cho 08 hộ tại địa bàn các xã, thị trấn. Hội đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội duy trì tốt việc quản lý nguồn vốn ủy thác với tổng dư nợ vốn vay trên 116 tỷ đồng giúp cho hơn 2.200 lượt hộ vay, góp phần tích cực vào các phong trào thi đua trên địa bàn huyện.
Điển hình trong phong trào thi đua SXKDG trên địa bàn, có nhiều hội viên nông dân đã vươn lên làm giàu bằng chính khả năng nghị lực của mình, như trên địa bàn xã Đăk Xú có hộ ông Nguyễn Văn Thành (Trang trại Thành Thoa) đã nhiều năm liền đạt Hộ SXKDG cấp Trung ương, được đi dự các Hội nghị tuyên dương toàn quốc, có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng (hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà cho hộ khó khăn về nhà ở); hộ ông Lê Văn Xúy ở Chi Hội thôn Chiên Chiết, làm trang trại chăn nuôi heo, thu nhập hàng năm khoảng 1 tỷ đồng. Hộ A Súp tại xã Đăk Ang trồng hơn 02 ha cao su, 01 ha cà phê kinh doanh, nuôi cá thương phẩm, mua máy cày để phục vụ cho gia đình, đồng thời cày thuê cho các hộ khác, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp và dịch vụ chế biến, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đa canh, đa ngành của hội viên Đinh Thị Thơm tại thôn Hào Lý, xã Sa Loong mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng; hộ ông Nguyễn Duy Thanh Hải, Chi Hội thôn Kon Khôn, xã Bờ Y, có 20 ha (cao su, tiêu, cà phê, cây ăn trái các loại), hàng năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng; hộ ông Nguyễn Văn Hà, có 7 ha cao su, 12 ha cà phê, 8 ha cây ăn trái các loại, thu nhập hàng năm hơn 1,5 tỷ đồng; hộ ông Quách Công Lý, Chi Hội thôn Bắc Phong với 08 ha cao su, 02 ha cà phê, thu nhập hàng năm thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng...
Đến với Ngọc Hồi hôm nay, với những con đường thẳng tắp, những hàng cây xanh xen lẫn trong những ngôi nhà cao tầng, hoà trong âm thanh của vạn vật đang sinh sôi, đâm chồi nẩy lộc, chúng ta mới có thể cảm nhận được hơi ấm bàn tay của bà con nông dân một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, chắt chiu gieo trồng những mầm xanh đang từng ngày, từng giờ đơm hoa kết trái, những trẻ thơ đang tung tăng đến trường, những ánh mắt và nụ cười rạng ngời của bà con các dân tộc nơi đây, góp phần tô thắm thêm bức tranh huyện Ngọc Hồi với nhiều gam màu xán lạn.
Lê Huyên
35
225.890