Ngày đăng:
11/04/2024
Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong việc định hướng, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc phát động và triển khai tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, trọng tâm là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; Đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Xác định hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên, trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tích cực thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", phong trào đã thu hút 12.870 hộ nông dân tham gia đăng ký thi đua đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 10.419 hộ (cấp Trung ương 166 hộ, cấp tỉnh 813 hộ, cấp huyện 2.345 hộ, cấp cơ sở 7.095 hộ). Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã quan tâm giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, việc làm và đã quyên góp ủng hộ được 2.292,34 triệu đồng, 42.213 ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống trị giá 3.747 triệu đồng, giúp đỡ cho 823 hộ hội viên thoát nghèo.... Điển hình như:
- Hộ ông Vũ Mạnh Khải, thuộc chi Hội 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 1 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 09 lao động. Ngoài ra, gia đình đã hướng dẫn cho nhiều bà con nông dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Giúp đỡ giống heo cho 06 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Hộ ông Nguyễn Văn Thành là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương trong nhiều năm liền. Ông là chủ trang trại Thành Thoa, một trang trại theo mô hình VAC có quy mô lớn tại địa bàn xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thành còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và giúp đỡ các hộ khó khăn bằng cách cho mượn heo giống để chăn nuôi, đến khi xuất chuồng trả lại gốc trong 3 tháng, giúp mỗi hộ từ 10-15 triệu đồng; ông còn đóng góp và ủng hộ 20 triệu đồng cho phong trào chống dịch COVID tại địa phương; ủng hộ cho Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi 50 triệu đồng để xây nhà "Mái ấm nông dân" cho hộ nghèo tại xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi...
- Hộ ông Bùi Văn Quyển ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy với mô hình 20 ha sầu riêng tại xã Ya Ly được trồng theo phương pháp hữu cơ, được cấp mã vùng trồng. Năm 2023, là năm thứ ba được thu hoạch nhưng đã cho thu nhập trên 20 tỷ đồng và ông là một trong 100 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận nông dân xuất sắc năm 2023. Mô hình kinh tế của ông đã giúp 9 lao động có việc làm thường xuyên và 25 lao động theo thời vụ; ông Quyển còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp quỹ an sinh xã hội...
Để phong trào thực sự lan tỏa và có chiều sâu, trong 5 năm (2018 - 2023) các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho trên 16.560 lượt hội viên nông dân, tổ chức 11 đợt cho 336 hội viên nông dân đi học tập kinh nghiệm ở một số mô hình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Hàng năm 100% các huyện, thành Hội; 80% các xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật cho hơn 19.320 lượt hội viên và tổ chức hàng trăm buổi hội thảo đầu bờ thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia (nội dung tập trung kỹ thuật trồng rau an toàn, sử dụng phân bón có hiệu quả, sử dụng máy cơ giới trong nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm…). Hướng dẫn xây dựng 326 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh (88 mô hình trồng trọt, 206 mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), trong đó nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch tại phường Ngô Mây
Về hỗ trợ vốn cho nông dân: Với tổng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 19,85 tỷ đồng (Cấp tỉnh quản lý 16 tỷ đồng, đã triển khai cho vay 30 dự án với 280 hộ vay. Cấp huyện quản lý 3, 85 tỷ đồng, đã giải ngân cho vay 18 dự án với 73 hộ vay). Thông qua đó đã tạo điều kiện cho 567 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, Hội đã tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ cho vay từ nguồn ủy thác Ngân hàng chính sách là 1.146.296 triệu đồng cho 20.037 hội viên vay. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn ủy thác Ngân hàng chính sách đã hỗ trợ cho hội viên nông dân có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao đời sống góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân và nông dân, nông thôn.
Hội Nông dân tỉnh bàn giao mái ấm nông dân cho nông dân nghèo
Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2018-2023, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền vận động nông dân hỗ trợ 135.610 ngày công, hiến đất 123.449m2, làm mới và sửa chữa 1.017 km đường giao thông nông thôn, 991,7 km kênh mương nội đồng và 169 cầu, cống; đồng thời, vận động trên 60.000 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; tổ chức các Đoàn giám sát việc quản lý sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi …Từ đó góp phần giảm hộ nghèo khu vực nông thôn.
Công tác giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định, nhưng giảm nghèo vẫn chưa mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hội viên vẫn còn cao. Để phối hợp thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới, với mục tiêu cụ thể năm 2024 (tại Kế hoạch số 2470-KH/UBND ngày 01/8/2023 của UBND tỉnh): Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4% trở lên, riêng các huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6 - 8%. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về giảm nghèo bền vững, chuẩn nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, được cung cấp thông tin về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo; về phương pháp, cách làm phù hợp, từng bước làm thay đổi nhận thức thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình, Nhà nước và xã hội hỗ trợ một phần cácđiều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững.
-Tích cực thực hiện và phối hợp thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ và các chương trình, dự án chính sách của tỉnh về công tác giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.
- Thực hiện có hiệu quả “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; gắn với thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"; Hưởng ứng thực hiện tốt phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết tinh thần “tương thân tương ái”, tích cực tham gia “Tháng hành động vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập. Huy động cán bộ, hội viên nông dân cùng góp phần thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững.
Với những việc làm thiết thực của Hội Nông dân các cấp tỉnh Kon Tum cùng tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của các hội viên, nông dân đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Qua đó cùng với các cấp chính quyền thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
VTBH
90
225.953