Ngày đăng:

16/07/2024 

Nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý thức trong phát triển kinh tế, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc lãnh đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trong hội viên, nông dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình trong phát triển kinh tế, nhằm tạo sự thống nhất ý chí, hành động, tích cực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng bộ xã, nhất là tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sáng ngày 15/5/2024 Ban Kinh tế - Xã hội Hội đồng nhân dân Huyện Đăk Hà khảo sát thực tế tổ hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật tại chi hội nông dân thôn Bình Minh.

Tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Phạm Thị Điệp – Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND Huyện; đồng chí: Hà Văn Kiên - Chủ tịch liên đoàn lao động huyện; đồng chí: Nguyễn Văn Chiến-HUV-Bí thư Đảng bộ xã Hà Mòn; đồng chí:  Nguyễn Đình Lê – Phó ban dân tộc HĐND huyện; đồng chí : Nguyễn Thiện Tú – PCT Hội Nông dân huyện Đăk Hà; đồng chí: Nguyễn Đình Lĩnh – Phó chủ tịch UBND xã Hà Mòn; đồng chí: Phạm Thị Giang – Chủ tịch HND xã Hà Mòn và có các đồng chí là chi hội trưởng Nông dân, các thành viên của tổ hội nghề nghiệp cùng tham gia.

Đoàn giám sát và các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp Nuôi ong

Năm 2020 Hội Nông dân xã đã triển khai tiến hành khảo sát và thành lập 01 tổ hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật tại chi hội Nông dân thôn Bình Minh. Nhằm gắn kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch với việc thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc vay vốn của từng hội viên, nông dân và gia đình trong chủ động, tự lực phát triển kinh tế, khắc phục tình trạng trông chờ, phụ thuộc. Đặc biệt chú trọng các giải pháp kinh tế gắn với chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Đẩy mạnh phong trào “ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua các hình thức như chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… ban đầu thành lập tổ có được 250 đàn ong và có 04 thành viên tham gia, đến năm 2022 tổ kết nạp thêm được 02 thành viên tham gia và phát triển đàn ong đến nay là 1.300 đàn ong.

Anh Nguyễn Ngọc Tân – Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp đang trao đổi với đoàn giám sát về cách duy trì đàn Ong

Để duy trì và phát triển tốt đàn Ong khoẻ mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi việc khéo léo cẩn thận của mỗi thành viên trong tổ nuôi khi chăm sóc đàn Ong. Phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để thùng Ong luôn khô ráo, sạch sẽ. Trong quá trình kiểm tra đàn Ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn Ong. Mỗi thành viên trong tổ nắm vững và am hiểu tập tính của Ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn Ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn cho đàn Ong phát triển mạnh, thành viên của tổ phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo Ong chúa, lấy mật, khai thác sữa Ong chúa và phấn hoa. Hiện nay mỗi thành viên của tổ có từ 250 đến 300 đàn Ong, mỗi tháng trừ chi phí cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng/ 01 thành viên.

Trong quá trình thành lập và phát triển của tổ hội nghề nghiệp nuôi ong, tổ được tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của Huyện Đắk Hà với số tiền là 300 triệu đồng đó là nguồn lực giúp cho tổ có thêm động lực duy trì và nhân rộng, phát triển về đàn Ong cũng như tạo thêm việc làm cho hội viên nông dân. Tổ đã duy trì và phát triển từ 250 lên 1.300 đàn Ong đã tạo công ăn việc làm cho 06 thành viên. Từ đó cho thấy hiệu quả bước đầu của tổ hội nghề nghiệp trong việc tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình và góp phần vào thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới thông minh của xã.

Việc xây dựng tổ hội nghề nghiệp cũng là thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm từng bước hướng nông dân vào sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho dân. Trước tiên, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ trong sản xuất mật ong. Từng bước, thực hiện liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình với các sản phẩm có thế mạnh của xã

Từng bước tạo thoái quen cho nông dân có tác phong công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, giữ vững các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết; phát huy thế mạnh, vai trò của loại hình kinh tế hợp tác.                   

                                          Phạm Thị Giang

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Mòn