Ngày đăng:
11/03/2025
Kon Tum là một tỉnh nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 968.961 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 856.573 ha, chiếm 88,4% diện tích. Mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới là giữ tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,21% giai đoạn 2021-2025, chiếm tỷ trọng 19-20% trong cơ cấu kinh tế, tập trung vào các cây trồng chủ lực, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Sự chuyển mình này không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ, mà còn là một quá trình tái cấu trúc toàn diện từ phương pháp sản xuất đến nhà quản lý và người tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp nêu trên cần nhiều giải pháp, trong đó công tác ứng dụng chuyển đổi số đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện rõ qua những lợi ích mà công nghệ mang lại, cụ thể:
Chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững và tiết kiệm nguồn lực: Việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học đã giúp đội ngũ sản xuất, người nông dân tiếp cận những thông tin chi tiết về môi trường, đất đai và cây trồng. Nhờ đó, có các quyết định chính xác trong chăm sóc cây trồng, từ việc bón phân, tưới nước đến phòng trừ sâu bệnh. Điều này không chỉ giúp đẩy nhanh quy trình, giảm thiểu chi phí sản xuất mà còn bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ứng dụng kỹ thuật số vào nông nghiệp đã giúp cải thiện điều kiện lao động, giảm chi phí nhân công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, không lệ thuộc nhiều vào thời vụ, thời tiết, chất lượng sản phẩm đồng đều, tính cạnh tranh cao, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân.
Chuyển đổi số giúp tiếp cận thị trường và người tiêu dùng dễ dàng hơn: Quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất sẽ cung cấp cho người tiêu dùng khả năng truy cập và theo dõi các thông số về chất lượng nông sản theo thời gian thực, từ đó tăng cường sự tin tưởng và an tâm về chất lượng ngành hàng. Mối liên kết giữa bên mua và bên bán, giữa cung và cầu, giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng càng bền chặt hơn bao giờ hết. Tình trạng “được mùa, mất giá” hạn chế ở mức tối thiểu, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và linh động hơn.
Chuyển đổi số giúp giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp: Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, phân tích dữ liệu, tăng cường khả năng dự báo, chủ động ứng phó, thích ứng trước các tác động trực tiếp của thời tiết, từ đó nâng cao năng lực năng suất, giảm tối đa thiệt hại do điều kiện bất lợi của tự nhiên mang lại.
Chuyển đổi số giúp quản lý đồng bộ dễ dàng: Chuyển đổi số đang cách mạng hóa cách thức quản lý và điều hành ngành nông nghiệp, từ cấp độ Sở, ngành nói chung đến doanh nghiệp nói riêng. Nhờ hệ thống dữ liệu chính xác và cập nhật, các quyết định được đưa ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, với các doanh nghiệp nông sản, tận dụng công nghệ giúp giảm chi phí, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Như vậy, không còn là “sản xuất nông nghiệp”, chuyển đổi số đã kiến tạo nên một nền “kinh tế nông nghiệp” với mục tiêu cuối cùng là phát triển hiệu quả và bền vững. Từ việc dự báo thời tiết chính xác đến quản lý sản xuất thông minh, công nghệ giúp nông dân gia tăng năng suất, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và cải thiện thu nhập. Điều này góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng cũng như công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn rất nhiều trăn trở, khó khăn để ứng dụng được công nghệ số vào thực tế sản xuất, đó là:
Thay đổi và nâng cao nhận thức: Các cấp ủy Đảng quán triệt, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số để người dân biết, hiểu và làm theo.
Giải pháp về nguồn vốn, công nghệ: Tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, hệ thống internet, hệ thống quản trị mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu... ) xây dựng các chính sách sát với thực tế, phù hợp với điều kiện địa phương nhầm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thế mạnh trong ngành nông nghiệp, công nghệ... nhất là nguồn vốn FDI của các tập đoàn nước ngoài, đây là giải pháp rất quan trọng đối với tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay.
Rà soát, ban hành danh mục các dự án đầu tư hạ tầng nông nghiệp quan trọng sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo từng giai đoạn; Huy động nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng và các nguồn hợp pháp khác.
Đơn giản các quy trình, thủ tục, đồng thời tăng cường triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất nông nghiệp. Công nhận tài sản thế chấp đối với các tài sản trong sản xuất như nhà kính, ao nuôi, phần mềm, hệ thống điều khiển tự động...
Giải pháp nguồn nhân lực:
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Có chính sách đào tạo, thu hút các chuyên gia về chuyển đổi số để đề xuất, thực hiện các chính sách chuyển đổi số nông nghiệp.
Tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng cho nông dân.
Kết nối với các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn thanh niên nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình áp dụng các công nghệ.
Mời gọi những nông dân thực hiện công cuộc chuyển đổi số thành công để chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân khác
Xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp:
Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về lĩnh vực nông nghiệp.
Các cơ quan có thẩm quyền cần thống kê chi tiết dữ liệu quan trọng liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
Thiết kế mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất nhằm phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp.
Khuyến khích người dân thay đổi thói quen ghi chép nhật ký canh tác và chăn nuôi sang ghi nhật ký trên thiết bị điện tử, thông qua việc tập huấn và hướng dẫn nông dân tham gia vào mô hình ghi nhật ký sản xuất.
Khuyến khích nông dân, cộng đồng nông nghiệp tích hợp và chia sẽ dữ liệu.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cần thiết để nâng cao đời sống cho nông dân. Những bước tiến trong việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn làm tăng khả năng cạnh tranh nông sản của tỉnh. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Để khai thác tối đa tiềm năng của chuyển đổi số, cần phải có sự nỗ lực đồng bộ từ Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp và nông dân. Vượt qua các khó khăn hiện tại sẽ giúp nền nông nghiệp tỉnh ta nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc áp dụng công nghệ không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp trong thời đại số hóa, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh ta phát triển bền vững.
Phạm Thanh
17
369.626