Ngày đăng:

22/09/2024 

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập “mô hình Hội quán” trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1277/KH-UBND, ngày 04/5/2023 để triển khai thực hiện. Căn cứ Hướng dẫn số 02/HD-SNN, ngày 09/6/2023 của Sở NN&PTNT về quy trình thành lập, phối hợp hỗ trợ hoạt động, nâng cao chất lượng và đánh giá kết quả hoạt động mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh, sau một thời gian chuẩn bị, các cơ quan chức năng đã tập trung tuyên truyền, vận động và thành lập được 02 hội quán: (1) Hội quán cùng nhau làm du lịch và nông nghiệp xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; (1) Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh, sản phẩm cây ăn quả Ngọk Wang, huyện Đăk Hà.

“Mô hình Hội quán” chính là thiết chế tự quản, tự nguyện của cộng đồng dân cư hoạt động theo nguyên tắc “3 không”, “3 tự”, “3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng) nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, có không gian để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản; tham gia xây dựng nông thôn mới; đây cũng là phương thức mới nhằm đa dạng hóa loại hình tập hợp Nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành được 06 Hội quán với tổng số 141 thành viên tham gia, trong đó: thành phố Kon Tum có 02 Hội quán, gồm: (1) Hội quán cùng nhau làm du lịch và nông nghiệp xã Đăk Rơ Wa với 16 thành viên, (2) Hội quán Nông nghiệp và Du lịch xã Ia Chim với 41 thành viên; huyện Đăk Hà có 04 Hội quán, gồm: (1) Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh, sản phẩm cây ăn quả Ngọk Wang với 16 thành viên, (2) Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê Đăk Hà, thị trấn Đăk Hà với 15 thành viên, (3) Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương tại xã Hà Mòn với 23 thành viên, (4) Hội quán “Đăk Hà ngày mùa” với 30 thành viên.

Thời gian qua, các Hội quán trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt việc sinh hoạt định kỳ, qua đó, các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; quy trình sơ chế, chế biến nông sản; phương pháp quảng bá sản phẩm, liên kết cùng nhau làm du lịch.... Tuy nhiên, do là mô hình mới nên việc tổ chức sinh hoạt định kỳ của các Ban chủ nhiệm Hội quán chưa đa dạng, một số thành viên tham gia sinh hoạt chưa đầy đủ; việc nhận thức về tổ chức, hoạt động của Hội quán còn khác nhau; các thành viên của Hội quán còn gặp khó khăn trong hoạt động liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Từ kết quả và hiệu quả hoạt động của mô hình Hội quán, thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở cần: (1) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân biết về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thành lập “mô hình Hội quán”; đồng thời, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia kết nối sản xuất, kinh doanh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong sản xuất các mặt hàng nông sản, thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm để hình thành “Mô hình Hội quán”. (2) Quan tâm hhướng dẫn các Hội quán xây dựng kế hoạch sinh hoạt định kỳ trong năm (gồm chủ đề, nội dung; thời gian, địa điểm sinh hoạt định kỳ); chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn của xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội của xã tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ của Hội quán để định hướng hoạt động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của Hội quán, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội quán.

Lục Bình