Ngày đăng:
23/10/2024
Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum là địa phương chuyên canh về cây công nghiệp như cây cà phê, cao su, sầu riêng…Nhờ ứng dụng kỹ thuật cây trồng, phát triển giống mới mà địa phương đã nâng cao được năng suất và tăng thêm thu nhập, từ đó thu hút được một lượng lớn người đầu tư cũng như các bạn trẻ muốn về quê lập nghiệp trong đó có bạn trẻ Nhung Nhi.
Võ Thị Nhung Nhi (27 tuổi), sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, một vùng quê chuyên nông nghiệp, phát triển chủ yếu nhờ cây cà phê và cao su. Thấu hiểu được sự vất vả và khó khăn của Ba mẹ cũng như những người dân tại địa phương, Nhung Nhi đã ấp ủ trong mình một ước mơ “mang những sản phẩm mà gia đình nuôi trồng, những sản phẩm sạch của Tây nguyên đến với nhiều vùng miền của Tổ quốc”.
Tốt nghiệp chuyên ngành marketing, sau khi ra trường, Nhi làm truyền thông cho một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập ổn định nhưng vì mong muốn phát triển kinh tế địa phương theo hướng “NÔNG NGHIỆP SẠCH”, tháng 3/2022, Nhi quyết định bỏ phố về quê để thực hiện những kế hoạch đã ấp ủ của mình.
Với số vốn tích lũy được trong những năm làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh cùng mảnh vườn 2 ha của gia đình, Nhi bắt tay xây dựng mô hình nuôi trồng nông sản sạch khép kín VAC (vườn - ao - chuồng) với 1.500 cây cà phê, 200 cây sầu riêng, 400 gốc cam, 200 bụi chuối, hàng chục loại cây ăn quả và rau màu khác như: chôm chôm, mít, bơ, tiêu, ớt… kết hợp chăn nuôi 120 con heo rừng lai lớn nhỏ, hơn 150 con gà thả vườn và một số ngan, ngỗng.
Nhi đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, từ phế phụ phẩm trồng trọt để phục vụ chăn nuôi như thân, quả chuối hoặc trái cây hư hỏng. Trong trồng trọt, phân của vật nuôi lại được tận dụng đem ủ hoai mục với vỏ cà phê để làm phân, cỏ xén- cỏ voi- cỏ cộng sản ép xanh cho cây trồng. Cứ như vậy sẽ tạo thành một vòng tròn khép kín trong chăn nuôi, trồng trọt, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa có những nguồn thức ăn tự nhiên cho vật nuôi, cây trồng, đảm bảo sản phẩm làm ra an toàn, đúng mục tiêu tạo ra các nông sản sạch của cô.
Qua hơn 2 năm thực hiện, các sản phẩm từ mô hình của Nhi được nhiều người đón nhận bởi chất lượng, mang lại doanh thu ước tính hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhung Nhi chia sẻ: Trung bình, giá bán các loại trái cây trong mô hình của chị dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Sản phẩm heo rừng lai và gà thả vườn thành phẩm được bán với giá dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/kg. Đỉnh điểm có tháng chị bán được từ 8 tạ - 1 tấn đặc sản heo rừng lai và gà rẫy.
Áp dụng nền tảng về kiến thức truyền thông, tư duy sáng tạo, sử dụng internet để kết nối mọi người và các vùng miền, cùng những mối quan hệ sẵn có trong những năm làm việc bên truyền thông, Võ Thị Nhung Nhi đã đưa những sản phẩm của gia đình và những đặc sản của vùng Tây Nguyên đến với nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương.v.v.
Nói về dự định sắp tới, Nhung Nhi đang kết hợp với người thân để xây dựng một cơ sở nuôi chim yến, phát triển thêm một ngành chăn nuôi mang lại lợi ích kinh tế cao, Cô mong muốn học hỏi thêm nhiều kiến thức để có thể hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ người dân địa phương làm giàu từ nông nghiệp tuần hoàn.
Nhung Nhi, chính là tấm gương sáng để những bạn trẻ muốn về quê lập nghiệp học hỏi. Mô hình “Nông nghiệp sạch”, nông nghiệp tuần hoàn có thể nhân rộng để tiết kiệm chi phí và tạo ra những sản phẩm nông sản có giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập ngày càng cao hơn cho người nông dân.
Cao Thị Thúy Hằng, Phó CT HND xã Đăk Mar
39
225.894