Ngày đăng:

11/04/2024 

Trong suốt chiều dài lịch sử, giai cấp nông dân có vai trò rất quan trọng, luôn luôn là lực lượng đông đảo nhất và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn.

Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho xã hội. Trình độ, học vấn của nông dân cũng từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng được đổi mới, dần thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội và phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm, nòng cốt trong công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 của HND Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, chịu nhiều tác động tiêu cực, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xung đột cục bộ giữa các nước, khủng hoảng kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19 xảy ra đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu, song, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của giai cấp nông dân, sự đồng thuận của cả xã hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều cố gắng nỗ lực, cùng các cấp, các ngành góp phần đưa ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức khá cao, khá toàn diện với những báo cáo, kết quả rất ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước và bảo đảm an sinh xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", đồng thời, Người khẳng định: "Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...". Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đã được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: "Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn"; "cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh"; và xác định "nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới".

Đảng ta cũng đã xác định "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Sau hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển toàn diện và vượt bậc. Cơ cấu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản được chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - nhà khoa học và hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn diễn ra mạnh mẽ. Phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động và lôi cuốn sự tham gia chủ động và tích cực của nông dân.

Hình mẫu “Người nông dân 5 mới” được triển khai với các yếu tố từng bước đi vào cuộc sống: (1) Nông dân có tư duy mới; (2) Nông dân có nhận thức mới; (3) Nông dân có kiến thức mới; (4) Nông dân có đời sống văn hóa mới; (5) Nông dân có quyết tâm mới. Đồng thời, đưa ra yêu cầu 10 tiêu chí của “người nông dân 5 mới” là: (1) Có trình độ, kiến thức, khoa học kỹ thuật tương ứng; (2) Lành nghề về nông nghiệp; (3) Có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học, dịch vụ công; (4) Có thể lực, trí lực; (5) Biết giữ gìn và hưởng thụ văn hóa; (6) Kết hợp bản chất cần cù, sáng tạo; (7) Có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo; (8) Biết liên kết, hợp tác trong kinh doanh; (9) Có ý thức bảo vệ môi trường; (10) Có tình cảm tốt đẹp đối với gia đình, xã hội.

Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng và cách mạng công nghệ 4.0, người nông dân mới thời kỳ CNH, HĐH đòi hỏi phải là những nông dân có trình độ, kiến thức và khoa học kỹ thuật tiên tiến; phải lành nghề về sản xuất nông nghiệp. Họ cũng phải là những nông dân biết ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học và dịch vụ công tốt, hiểu biết về hội nhập quốc tế, phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh không chỉ nông dân với nông dân, mà còn với cả nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân nước ngoài. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần hỗ trợ, đào tạo người nông dân đáp ứng được những năng lực trên.

Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, không ngừng xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Như vậy, việc xây dựng mẫu hình người nông dân mới trong giai đoạn hiện nay với những phân tích ở trên là rất quan trọng nhằm xây dựng giai cấp nông dân ngày càng lớn mạnh, thật sự phát huy được vai trò to lớn của nông dân trong xây dựng nông thôn mới và phát triển đất nước, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành đã đề ra, cụ thể hóa một cách hiệu quả, gắn với điều kiện thực tế của từng vùng, miền để có chủ trương, kế hoạch cụ thể trong xây dựng giai cấp nông dân trong giai đoạn mới.

Các cấp Hội Nông dân cần tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để những “cái mới” đó thấm, nhập được vào hội viên, nông dân ở từng cơ sở, địa phương nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tiến bộ với trình độ sản xuất ngày càng cao, khai thác được lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp nhiệt đới, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Nguồn Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam