Ngày đăng:

23/10/2024 

Thực hiện 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến CBCC và hội viên; Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Thông qua sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt chi, tổ Hội, tuyên truyền trên Website Hội Nông dân tỉnh, Thông tin Nông dân Kon Tum, Chuyên mục “Nông dân Kon Tum vượt khó làm giàu” phát sóng trên Đài PT-TH Kon Tum, mạng xã hội (Zalo, Facebook), các hội nghị, hội thi, các lớp tập huấn... xây dựng hơn 800 tin, bài viết, phóng sự liên quan về xây dựng và phát triển tổ chức Hội các cấp trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đều phân bổ và giao chỉ tiêu thi đua thực hiện 3 Nghị quyết trong các cấp Hội ngay từ đầu năm; hướng dẫn quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp và các biểu mẫu liên quan; mở 03 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp cho 236 cán bộ, hội viên tham gia; đã tổ chức 7 đợt tham quan, học tập các mô hình, các chi tổ hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả trong và ngoài tỉnh cho 181 cán bộ, hội viên trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh mở 12 lớp tập huấn về thực hiện Luật hợp tác xã cho 821 chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, thành viên HTX, tổ hội nghề nghiệp và cán bộ, hội viên nông dân.  Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức tập huấn chuyển giao KH-KT, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi, trồng trọt; đã trực tiếp mở 15 lớp dạy nghề cho 635 người tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng, Trung tâm dạy nghề tổ chức mở 453 lớp cho 10.620 người tham gia; Vận động hội viên giúp nhau vượt khó, thoát nghèo với số tiền 6,101 tỷ đồng, 43.620 ngày công lao động; hỗ trợ vật tư (cây, con giống), lương thực... trị giá 314 triệu đồng và giúp đỡ 224 hộ thoát nghèo; hỗ trợ cho hội viên, nông dân vay vốn Quỹ HTND được 9.490 triệu đồng, Thực hiện ủy thác với Ngân hàng CSXH cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tổng dư nợ đến 30/6/2024 do Hội Nông dân quản lý là 1.291 tỷ đồng, với 497 Tổ TK&VV và có hơn 20.000 hội viên vay vốn.

Giải ngân vốn vay Quỹ HTND tại thị trấn Đăk Rve huyện Kon Rẫy

Kết quả, từ năm 2020 đến tháng 6/2024 đã thành lập được 30 chi Hội nghề nghiệp  với 627 hội viên; 257 tổ hội nghề nghiệp với 3.608 thành viên. Hiện nay, có 02 Tổ hội nghề nghiệp phát triển thành HTX. Vận động, kết nạp mới 12.639 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh là 67.183 hội viên, tỷ lệ tập hợp nông dân vào Hội đạt 77,48% tổng số hộ nông dân. Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp tích cực tham mưu với cấp ủy về công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nguồn và việc bố trí, sử dụng cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch. Đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, có phẩm chất đạo đức, trung thực, khách quan, công tâm, có năng lực thực hiện nhiệm vụ công tác được giao.

Ra mắt Chi hội nghề nghiệp trồng cà phê tại thôn Pleitrum-Đăkchõah, phường Ngô Mây

Qua 05 năm triển khai thực hiện 3 Nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các cấp tỉnh Kon Tum đã xây dựng được các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động ổn định và bước đầu có hiệu quả. Vai trò của tổ chức Hội Nông dân được nâng lên, thu hút được nhiều hội viên tham gia, nông dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, các THT, HTX...góp phần tạo sự tin tưởng, thống nhất về ý chí và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết, nhằm xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền phổ biến các Nghị quyết có nơi hiệu quả chưa cao, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu; Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; một số chi hội, tổ hội nghề nghiệp hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao; Việc triển khai hỗ trợ các nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển mô hình chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp còn ít; Chưa thành lập được chi, tổ hội nghề nghiệp ở các hợp tác xã, tổ hợp tác; Tỷ lệ tập hợp nông dân vào Hội tuy đạt và vượt chỉ tiêu đề ra nhưng thiếu tính bền vững; việc theo dõi, quản lý hội viên chưa chặt chẽ; Cán bộ Hội ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở còn yếu, chưa năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Để thực hiện có hiệu quả 3 nghị quyết trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp cần phải triển khai thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh việc rà soát các số nông dân là thành viên trong các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa là hội viên để tuyên truyền, vận động tham gia vào chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Thành lập thành các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, thông qua đó triển khai các hoạt động của Hội để kết nạp hội viên, xây dựng và củng cố tổ chức Hội. Tiếp tục hỗ trợ chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được vay các nguồn vốn Quỹ HTND, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và các chương trình, dự án. Lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức tập huấn, đào tạo, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân và các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho  cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng, tổ trưởng, kết hợp với tổ chức tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm...

 Trần Minh Nhật