Ngày đăng:

23/10/2024 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình các hộ sản xuất nông nghiệp, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cá nhân và doanh nghiệp thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản dựa trên việc áp dụng các công nghệ số như dữ liệu lớn (Big Data), Intenet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp... làm giảm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, cải tiến mẫu mã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số đang được các cấp hội nông dân trong tỉnh chú trọng thực hiện.

   Với vai trò là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung vận động hội viên nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện để phát triển bền vững, nông dân đã từng bước áp dụng các máy móc trong sản xuất; sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; sử dụng Trang Thông tin điện tử Hội để truyền tải các thông tin quan trọng đến hội viên nông dân. Đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai hơn 90% các nội dung tuyên truyền trên không gian mạng; hơn 70% các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của hội cấp tỉnh và cấp huyện được cập nhật kịp thời trên website của hội. Các cấp hội đã phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 12.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện khoa học, các doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình cây, con năng suất hiệu quả cao; hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị tại các địa phương.

Tập huấn, hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử cho hội viên nông dân huyện Kon Rẫy

   Tại các hội nghị tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử vùng đồng bào DTTS và miền núi do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, các cán bộ, hội viên, nông dân đã được hướng dẫn cách thức tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như cách tạo lập các trang web, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nông sản. Thông qua kênh bán hàng trực tuyến, online (facebook, zalo, Youtube, Tik tok shop…), trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (voso, shopee, lazada, alibaba…), nông sản của tỉnh được tiêu thụ với số lượng ngày càng nhiều. Đến nay  toàn tỉnh đã có khoảng 560 dịch vụ sản phẩm của 264 tổ chức, cá nhân được cập nhật, giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử và có trên 200 sản phẩm của hộ hội viên nông dân đưa lên sàn. Điều đó từng bước góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp tại địa phương.

   Bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, việc tổ chức ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất được nông dân ứng dụng: ông Nguyễn Duy Thiếm,  thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà là một trong những nông dân tiên phong trong việc áp dụng công nghệ phun tưới thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống máy bay không người lái. Công nghệ này tích hợp nhiều chức năng hiện đại, có thể điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng với nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức phun tưới truyền thống, trung bình trên 1 ha cây trồng, ông chỉ mất thời gian phun thuốc khoảng 30 phút, cắt giảm được chi phí nhân công phun thủ công, giảm được 30% thuốc và 90% nước sử dụng. Ông Lê Văn Quyết, thôn 8, xã Ngọc Vang, huyện Đăk Hà sử dụng thiết bị điều khiển đóng (mở) máy bơm nước bằng sóng điện thoại phục vụ việc tưới cà phê được đơn giản và thuận tiện hơn...

Với phương châm hướng về cơ sở, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh vận động nông dân đẩy mạnh việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm và thực hiện các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, những mô hình kinh tế áp dụng KHKT, công nghệ số có đầu ra ổn định trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới HND tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp, như cây trồng, vật nuôi, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp.

                                                                                                  VTBH